Phô mai là một trong những chế phẩm từ sữa phổ biến mà mẹ có thể thêm vào thực đơn ăn hàng ngày của trẻ. Hầu hết các loại phô mai đều chứa nhiều axit amin thiết yếu (là những chất quan trọng mà cơ thể không tự tổng hợp được cần lấy từ thực phẩm) giúp hỗ trợ phát triển tế bào, xây dựng các mô cơ quan mới đặc biệt là các tế bào não.
Theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế Anh, các bé có thể được giới thiệu phô mai (cheese cubes), fromage và sữa chua (yogurt) ở tuần thứ 7-8 ăn dặm hoặc ở tháng thứ 7.5 – 8. Tuy nhiên mẹ cần lưu ý một số điểm dưới đây để đảm bảo an toàn cho trẻ.
1 – Test dị ứng cho con

Thành phần chính của phô mai là từ sữa bò – một thực phẩm có nguy cơ dị ứng cao, chiếm khoảng 1/5 các trường hợp dị ứng thực phẩm ở trẻ nhỏ. Vì thế, nếu trước đó bé chưa được làm quen với sữa công thức, sữa chua thì mẹ cần tập 3 day wait phô mai cho con thật cẩn thận.
Trẻ dị ứng đạm sữa bò được chỉ định loại bỏ hoàn toàn các thực phẩm có sữa bao gồm cả phô mai.
Trường hợp con bị bất dung nạp lactose mẹ có thể lựa chọn 1 số loại phô mai free lactose để bé dùng. Sau đó tập dần sang loại bình thường theo hướng dẫn của bác sĩ.
2- Chọn loại phô mai phù hợp

Khi chọn phô mai cho bé, bố mẹ nên đọc thật kĩ phần nhãn dán. Các loại phô mai được tiệt trùng hoàn toàn, lượng natri thấp (dưới 100mg/1 khẩu phần), và làm từ sữa nguyên chất sẽ là sự lựa chọn an toàn.
Các loại pho mát lâu đời như asiago , parmesan và pecorino là những loại có hàm lượng natri cao nhất. Còn lại các loại phô mai tươi như mozzarella tươi , labneh , mascarpone , paneer và ricotta sẽ có hàm lượng muối ít hơn.
Ở Việt Nam mẹ có thể mua các loại phô mai được tách muối hoàn như phô mai hữu cơ Seoul milk. Cả Kem và Kẹo thời gian đầu tập ăn tớ đều dùng loại này, dễ ăn, dễ kết hợp cùng nhiều món của bố
Đối với trẻ ăn chay, việc chọn phô mai chay được làm từ đậu nành hoặc các loại hạt có dầu… cũng không còn quá khó. Nhưng nếu chọn loại này hàm lượng protein, vitamin A, vitamin B12, canxi và các khoáng chất khác cũng sẽ bị thiếu.
3 – Cho trẻ ăn liều lượng phù hợp

Nói chung, phô mai nguyên chất tương đối nhiều chất béo, đạm và hoàn toàn không chứa chất xơ. Trong một vài nghiên cứu hiện nay cho thấy có sự liên quan giữa việc ăn quá nhiều phô mai và thừa cân béo phì, táo bón.
Thực tế không có khuyến nghị nhất định về lượng phô mai theo từng độ tuổi của con mà chúng sẽ được khuyến nghị theo đơn vị sữa.
Theo hướng dẫn của British Nutrition Foundation, trẻ từ 1 tuổi được khuyên dùng 3 đơn vị sữa mỗi ngày. (Một khẩu phần có thể được tính là : khoảng 15gr phô mai hoặc 100ml sữa các loại hoặc 125ml sữa chua…). Điều này có thể phân bố vào các bữa phụ của trẻ hoặc kết hợp với các thực phẩm khác trong bữa chính. Dưới đây là 1 ví dụ về 2 bữa phụ 1 ngày của trẻ từ 1-5 tuổi theo gợi ý của tổ chức British Nutrition Foundation:
Bữa phụ thứ nhất
2 khẩu phần phô mai khoảng 30g tương đương 6 viên phô mai vuông. Trẻ có thể ăn riêng hoặc kết hợp với thực phẩm khác. Phô mai được xem là khá tiện dụng khi chế biến cùng các thực phẩm khác vì nó có vị mặn tự nhiên mà không làm thay đổi vị giác của trẻ. VD, có thể dùng phô mai trộn với trái cây dằm, trứng chiên hay quét bánh mì để tạo bữa ăn sáng hay bữa phụ cho trẻ. Một số thực đơn kết hợp cùng với phô mai và các chế phẩm sữa khác trong chế độ ăn của trẻ các bạn có thể tham khảo dưới comment bài viết này.
Bữa phụ thứ hai
1 khẩu phần chế phẩm từ sữa khác. VD. 1 hộp sữa chua khoảng 120ml. Sự phân bố và kết hợp này giúp trẻ nhận được lợi ích cả canxi và vitamin khoáng từ đa dạng nguồn. Hơn nữa, trẻ còn nhận được nguồn chất đạm phong phú từ phô mai, đặc biệt với chế độ ăn của các bé có sự hạn chế nguồn chất đạm hoặc những trẻ chỉ thích ăn phô mai mà ít ăn thịt cá.
Lời kết
Tóm lại: trẻ từ 7.5 – 8 tháng có thể bắt đầu tập dùng phô mai nhưng nên được test dị ứng cẩn thận, chọn loại phù hợp với liều lượng vừa phải. Các loại phô mai tách muối như phô mai hữu cơ Seoul milk sẽ là sự lựa chọn an toàn cho bé dưới 1 tuổi.
Nguồn:
- National Academies of Sciences, Engineering, and Medicine. (2019). Dietary Reference Intakes for Sodium and Potassium. Washington, DC: The National Academies Press. DOI: 10.17226/25353. Retrieved August 17, 2020
- British Nutrition Foundation (2017) 5532 a day.
- U.S. Food & Drug Administration. (2018). The dangers of raw milk: Unpasteurized milk can pose a serious health risk. Retrieved January 24, 2022
- Warren, C.M., Jhaveri, S., Warrier, M.R., Smith, B., Gupta, R.S. (2013). The epidemiology of milk allergy in US children. Ann Allergy Asthma Immunology, 110(5):370-374. DOI:10.1016/j.anai.2013.02.016. Retrieved September 22, 2020
- Mukkada, V. (2019). Cow’s milk protein allergy. GI Kids. Retrieved January 24, 2022